Trong rất nhiều lời khuyên về sức khỏe, chắc hẳn bạn đã từng nghe “Đừng ăn quá mặn kẻo làm tăng huyết áp”. Với mọi người, bệnh tật là nỗi lo lớn nhất trong cuộc sống, cao huyết áp góp phần không nhỏ. Vậy ăn mặn làm tăng huyết áp có đúng không? Cơ chế làm huyết áp tăng do muối như thế nào?
1. Khẩu phần như thế nào gọi là ăn mặn?
Muối hay chính xác hơn là natri clorua (gồm 40% natri, 60% clorua) ở dạng các sản phẩm như bột canh, muối ăn, nước mắm, nước tương,… Natri có tác dụng kiểm soát chức năng thần kinh, điều chỉnh sự co cơ, huyết áp và lượng máu. Clorua là chất điện giải trong máu mang theo điện tích, tham gia chức năng xung thần kinh, cân bằng chất lỏng, có thể gây nhiễm toan hô hấp, tích tụ carbon dioxide trong máu rất nguy hiểm.
Không thể phủ nhận vai trò của muối trong việc làm khẩu vị ngon hơn và tốt cho sức khỏe nếu được dùng ở mức vừa phải. Tuy nhiên nếu dùng quá nhiều sẽ nguy hiểm không kém, trong đó ăn mặn làm tăng huyết áp rất phổ biến. Vậy như thế nào được gọi là ăn mặn?
Mức tiêu thụ muối của người Việt lên tới 9,4g/ngày, tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Viện dinh dưỡng quốc gia thì mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ không quá 5g muối/ngày (1 thìa cà phê).
2. Dấu hiệu cơ thể cho biết bạn đã ăn nhiều muối
Thông thường trong một số thực phẩm đã có sẵn lượng muối nhất định, nhất là các món ăn làm sẵn, đóng hộp, dưa muối, kim chi,… Do đó để xác định lượng muối chính xác ăn vào rất khó. Cơ thể là một chiếc máy diệu kỳ, nếu bạn ăn quá nhiều muối sẽ có những dấu hiệu như:
- Khát nước thường xuyên.
- Chân hoặc tay có cảm giác sưng phù.
- Huyết áp tăng.
- Ăn uống luôn cảm thấy không vừa miệng, nhạt nhẽo.
- Bị sỏi thận.
3. Cơ chế ăn mặn làm tăng huyết áp
Muối ăn (chính xác là natri) tác động đến cơ thể gây tăng huyết áp cơ chế ra sao? Ở những người có yếu tố di truyền (gia đình có người bị tăng huyết áp) thì khi ăn quá nhiều muối sẽ dẫn tới màng tế bào tăng tính thẩm thấu đối với natri. Khi này ion Na+ sẽ vận chuyển nhiều hơn vào tế bào cơ trơn của thành mạch, làm tăng trương lực thành mạch, tích nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi, từ đó làm tăng huyết áp.
Muối nạp vào quá nhiều khiến áp lực thẩm thấu trong máu tăng lên, từ đó gây cảm giác khát nước để bổ sung nước duy trì ổn định dịch thể, từ đó làm tăng dung lượng máu và áp lực lên thành mạch. Nếu hiện tượng này kéo dài liên tục sẽ dẫn tới tăng huyết áp.
Bên canh đó, natri kết hợp với các yếu tố gây sang chấn tinh thần kích thích hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh, từ đó làm natri hấp thu nhiều hơn ở ống thận, khiến ion Na+ vận chuyển vào bên trong tế bào cơ trơn nhiều hơn làm tăng sức cản ngoại vi, gây co mạch và tăng huyết áp.
Ngoài ra, muối còn làm tăng độ nhạy của thận và tim mạch với Adrenalin làm tăng huyết áp. Với người đã bị tăng huyết áp, ăn mặn khiến natri tích tụ, di chuyển nhiều hơn vào tế bào cơ trơn, đồng thời làm giảm tác dụng của các loại thuốc điều trị huyết áp, gây áp lực mạnh hơn đến hệ thống tim mạch, thận, hệ tiết niệu dẫn đến nguy cơ suy thận, suy tim, suy gan, đột quỵ cao hơn.
Trẻ em do thói quen ăn mặn của gia đình cũng là đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn và có nguy cơ đối mặt với bệnh tăng huyết áp rất sớm khi đến tuổi trưởng thành. Biến chứng của bệnh cũng cao hơn do mắc sớm và kéo dài.
4. Ăn mặn liên quan tới nhiều bệnh lý khác
Không chỉ là yếu tố nguy cơ cao làm tăng huyết áp, ăn mặn còn dẫn tới nhiều bệnh lý khác nguy hiểm hơn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Những bệnh lý có khả năng xuất phát từ thói quen ăn mặn đó là:
- Tăng đào thải canxi qua đường tiểu từ đó dẫn đến tình trạng sỏi thận và loãng xương.
- Nguy cơ mắc viêm loét dạ dày, tá tràng, nguy cơ ung thư bao tử (theo nghiên cứu của Nhật) cao gấp 2 lần so với người khác do lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá hủy.
- Tăng protein trong nước tiểu dẫn đến gánh nặng cho thận và dẫn đến suy thận.
- Cảm giác khát tăng lên dẫn đến tình trạng uống nhiều nước ngọt – là nguyên nhân dẫn đến béo phì.
- Tăng tình trạng giữ nước trong cơ thể, phù tay, chân, mặt, nhất là ở người bị suy tim và xơ gan.
- Ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới do tác động tiêu cực đến thận…
4. Làm giảm ảnh hưởng của thói quen ăn mặn làm tăng huyết áp
Ăn mặn làm tăng huyết áp có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn. Do đó để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, bạn hãy tập thói quen ăn nhạt để bớt lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, bằng các biện pháp sau:
- Giảm độ mặn, tăng khẩu vị bằng cách dùng thêm các gia vị khác như chua, cay, ngọt hoặc các loại gia vị.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, giò, chả, cà, dưa muối…
- Giảm các loại gia vị chấm như nước sốt pha sẵn, nước mắm, tương,.. bởi chúng cũng chứa một lượng muối nhất định.
- Hạn chế ăn đồ ăn tại các nhà hàng, quán ăn hoặc kiểm soát lượng muối nạp vào.
Xem thêm: Người bị tăng huyết áp nên ăn gì?
Ăn mặn làm tăng huyết áp là thói quen dẫn đến bệnh tật phổ biến của người Việt. Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn mỗi ngày, mỗi người cũng cần loại bỏ những yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp khác như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, lười vận động, ăn uống không kiểm soát thừa cân, béo phì,… để có huyết áp ổn định và cuộc sống chất lượng hơn.