Giao mùa là thời điểm mà thời tiết có sự thay đổi đặc trưng về nhiệt độ, độ ẩm từ mùa này sang mùa khác. Đây chính là điều kiện lý tưởng cho các vi sinh vật gây hại đến sức khỏe phát triển và tấn công hệ miễn dịch, gây nên nhiều bệnh lý, ảnh hưởng đến những nhóm nguy cơ cao. Vậy gia đình cần chú ý đến những căn bệnh giao mùa nào? Hãy cùng Nhà thuốc Minh Châu 5 tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết sau để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
1. Những đối tượng dễ mắc bệnh giao mùa
Thời điểm đông sang hè và ngược lại, hay từ mùa khô chuyển sang mùa mưa thường khiến các bệnh lý đang mắc phải trở nên trầm trọng hơn, và cũng là điều kiện phát sinh nhiều bệnh mới. Những đối tượng sau đây dễ mắc các bệnh giao mùa đó là:
- Trẻ nhỏ: Bởi sức đề kháng còn yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thế nên sức khỏe của trẻ rất dễ bị tấn công trong thời điểm giao mùa. Nguy hại hơn là tiến triển bệnh ở trẻ thời điểm này thường nhanh hơn và gây nên nhiều biến chứng nặng hơn người lớn.
- Người cao tuổi: Càng lớn tuổi, hệ miễn dịch của cơ thể càng suy giảm, đồng thời còn tiềm tàng nhiều bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, gan thận, xương khớp,… Do đó khi thời tiết thay đổi, các bệnh lý mà người già đang mắc dễ khởi phát, đồng thời sức đề kháng suy yếu thích hợp cho vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh.
- Phụ nữ mang thai: Đây là đối tượng nhạy cảm bởi khi mắc bệnh được khuyến cáo là không nên dùng thuốc. Nếu mắc các bệnh giao mùa không được điều trị, đặc biệt trong 3 tháng đầu dễ dẫn đến dị tật, cơ thể mệt mỏi, suy nhược kéo dài. Vì thế việc phòng bệnh luôn là ưu tiên số 1 của chị em trong giai đoạn mang thai.
2. Các bệnh thường gặp khi giao mùa
Nắng mưa thất thường, nhiệt độ độ ẩm thay đổi làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh giao mùa đặc biệt là ở trẻ. Cha mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản về dấu hiệu và phương pháp chữa bệnh để phòng tránh tối đa cho con cũng như cho cả gia đình. 12 bệnh giao mùa thường gặp gây nhiều biến chứng nguy hại sau đây, bạn hãy đặc biệt lưu ý nhé:
Bệnh nhiễm trùng hô hấp
Ước tính mỗi năm trên thế giới có đến 4.3 triệu trẻ em (dưới 5 tuổi) bị tử vong do nhiễm trùng hô hấp, trong đó viêm phổi và viêm tiểu phế quản là nguyên nhân chủ yếu. Bệnh có nhiều biểu hiện khác nhau ở trẻ như ho, sốt cao, thở rít, thở nhanh, tím tái viền môi, bỏ ăn, bỏ bú, chướng bụng, đi phân lỏng, nôn, khó thở,…
Nhiễm trùng đường hô hấp hiện nay chưa được điều trị đặc hiệu mà chỉ can thiệp phương pháp nhằm làm giảm thiểu các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi này cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, đồng thời vệ sinh nơi ở, nơi nghỉ ngơi thông thoáng bổ sung dinh dưỡng và đặc biệt cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Viêm phổi – Bệnh giao mùa đặc biệt nguy hiểm
Thêm một bệnh lý về đường hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi vào thời điểm giao mùa đó chính là viêm phổi. Bệnh lý là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ, Việt Nam là nước thuộc danh sách 15 nước có số trẻ em bị bệnh là tử vong do bệnh lý này nhiều nhất trên toàn cầu.
Viêm phổi có các dấu hiệu đó là thở nhanh, sốt cao, ho, đau bụng, nghẹt mũi, nôn ói, đau tức ngực,… Nếu biểu hiện nhẹ, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà, tuy nhiên khi có biểu hiện nặng như co giật, nổi gân tím toàn thân, bỏ ăn thì cần đưa trẻ nhanh chóng nhập viện.
Cách phòng ngừa viêm phổi trong thời điểm giao mùa cho trẻ đó chính là tiêm vắc xin đầy đủ, tăng cường sức đề kháng bằng thực phẩm, tránh xa nguồn lây bệnh, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
Bệnh quai bị
Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng dễ bị quai bị, thường xảy ra vào mùa đông và có khả năng bùng phát thành dịch tại nhà trẻ, trường học,… Khi bị bệnh, ở giai đoạn ủ bệnh trẻ không có bất cứ dấu hiệu nào, tuy nhiên khi đến giai đoạn khởi phát, trẻ có thể sốt cao lên đến 39 độ, biểu hiện đau họng, chán ăn, người mệt mỏi,…
Bệnh quai bị hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chỉ có các biện pháp can thiệp nằm làm giảm triệu chứng, ngăn nguy cơ nhiễm trùng và gây nên biến chứng, tử vong. Tuy là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây teo tinh hoàn – vô sinh, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, viêm buồng trứng, viêm tụy cấp tính nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, thế nhưng nhiều người vẫn còn khá chủ quan với bệnh. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị hiệu quả hàng đầu, lên tới 97%.
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh đặc biệt nguy hại có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người bị bởi biến chứng rất nhanh. Bệnh do muỗi là tác nhân truyền bệnh, có các triệu chứng đặc trưng là sốt cao có thể lên đến 40 độ, phát ban, nổi mẩn, đau đầu,… Khi biểu hiện nặng, người bệnh buồn nôn, đau bụng, nôn ra máu,… Nếu không được cấp cứu nhanh chóng có thể khiến người bệnh tử vong.
Hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nguy cơ bùng phát thành dịch cao. Khi có các dấu hiệu sớm của bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời vào thời điểm giao mùa, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi, thường xuyên dùng kem xua muỗi, các dụng cụ bắt muỗi, mắc mùng màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn vẫn bị mắc bệnh nhưng biểu hiện bệnh không rõ ràng. Bệnh gây ra bởi virus và có thể lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, khi tiếp xúc với dịch nhầy từ cơ thể người mang virus.
Để nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ, cha mẹ có thể thấy trên da có những nốt phỏng nước, niêm mạc miệng bị loét. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có các biểu hiện như khó thở, co giật, nôn trớ, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não,… ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh dễ mắc mà nguy hiểm này, các phác đồ điều trị hiện nay chỉ có khả năng giảm nguy cơ dẫn đến biến chứng. Vì vậy mà cha mẹ cần hết sức lưu ý đến các biểu hiện sớm để đưa trẻ đi thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm da dị ứng/ viêm da cơ địa
Bệnh lý này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vào thời điểm sang đông do hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu. Tại Việt Nam có đến 30% trẻ nhỏ mắc bệnh này và thường chấm dứt khi trẻ được 5 tuổi.
Bệnh viêm da dị ứng có các dấu hiệu như trên da xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy, phù nề, chảy dịch, trẻ mệt mỏi, biếng ăn, ho, sốt,… Khi phát hiện sớm các dấu hiệu này, bạn cần nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế, đồng thời luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, đồ chơi, bổ sung dinh dưỡng, giữ ấm và dưỡng ẩm cho da của trẻ.
Bệnh sởi
Bệnh sởi có thể ngăn ngừa được gần như hoàn toàn nếu trẻ được tiêm đủ mũi vắc xin theo khuyến cáo. Có đến 98,7% trường hợp mắc là do trẻ không được tiêm đầy đủ, chủ yếu là bị ở trẻ dưới 10 tuổi. Dấu hiệu của bệnh đó chính là sổ mũi, phát ban, ho khan, viêm kết mạc, ho,… có thể tiến triển dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, khô loét giác mạc.
Để điều trị bệnh sởi, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng nhưng không có gió lùa, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất, vệ sinh răng miệng đầy đủ. Cha mẹ phòng ngừa cho con bằng cách tiêm vắc xin đủ mũi và đúng lịch.
Bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh vô cùng nguy hiểm bởi nguy cơ tử vong lên đến 20% và 50% trường hợp được chữa khỏi nhưng mắc di chứng nặng nề. Bệnh có thể mắc ở mọi độ tuổi nhưng tỷ lệ mắc cao nhất là trẻ dưới 15 tuổi.
Ở giai đoạn ủ bệnh, trẻ không có bất cứ biểu hiện bệnh nào, cho đến giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ bắt đầu sốt cao lên tới 40 độ C. Các triệu chứng khác đi kèm như rối loạn nhãn cầu, đầu bụng, đau đầu, buồn nôn, nôn, mất nhận thức.
Để điều trị bệnh viêm não Nhật Bản, các bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị đặc hiệu và kịp thời để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm như co giật, phù nề não, tim mạch, biến chứng ở hệ hô hấp… Để phòng ngừa bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch và đủ mũi, cho trẻ mặc đồ dài, ngủ mắc mùng màn tránh muỗi truyền bệnh.
Bệnh giao mùa – cảm cúm
Bệnh giao mùa thường gặp nhất đó chính là cảm cúm. Trong thời điểm chuyển giao thời tiết, tỷ lệ người mắc bệnh cúm tăng cao nhất và vẫn có những trường hợp biến chứng gây tử vong, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi.
Bệnh cảm cúm có những dấu hiệu không đặc trưng nên dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh. Khi tiếp xúc với virus cúm, người bệnh sẽ ủ bệnh khoảng 2 ngày sau đó xuất hiện các biểu hiện như sốt cao, đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, mệt mỏi, chóng mặt. Một số người còn có các triệu chứng khác như tiêu chảy, đau tai, đau họng, nôn mửa.
Khi được chẩn đoán là mắc cúm mùa, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Chú trọng bù nước, bổ sung dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời luôn mang khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng. Nên tiêm phòng vắc xin để tránh nhiễm bệnh, lây lan và gặp các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh hen suyễn/hen phế quản
Bệnh hen suyễn là một bệnh lý mạn tính có khả năng ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 ca tử vong do căn bệnh này, tại Việt Nam, có tới 8 – 1)% trẻ nhỏ bị mắc và thường gia tăng triệu chứng vào các thời điểm giao mùa.
Bệnh hen suyễn có các dấu hiệu đặc trưng như tình trạng thở khó, ho khò khè nhiều lần và kéo dài, tần suất dày hơn vào ban đêm và gần sáng. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị dứt điểm căn bệnh này mà chỉ làm giảm triệu chứng cơn hen và hạn chế biến chứng của bệnh. Do đó người bệnh và người thân cần theo dõi để phát hiện kịp thời các dấu hiệu sớm của bệnh.
Để phòng ngừa căn bệnh giao mùa phổ biến này, người bệnh nên tiêm vắc xin đầy đủ, hạn chế tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá, môi trường ô nhiễm; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, hạn chế các thực phẩm làm gia tăng biểu hiện bệnh.
Bệnh sốt phát ban
Tuy không quá nguy hiểm như các bệnh kể trên và có thể tự hết sau vài ngày nếu thực hiện các hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên vẫn không thể tránh khỏi trường hợp sốt phát ban bùng phát thành dịch hoặc biến chứng nguy hiểm.
Sốt phát ban có các biểu hiện đặc trưng như sốt cao lên tới 39.5 độ, trên da có các nổi mẩn đỏ hoặc sưng, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, sưng mí mắt,… Khi có những dấu hiệu sớm, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị. Hiện nay phương pháp phòng ngừa được khuyến cáo đó là tránh xa nguồn bệnh, bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng bởi hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Bệnh tiêu chảy – bệnh giao mùa thường gặp
Tại Việt Nam, tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân dẫn tới những biến chứng về bệnh tật và tử vong hàng đầu, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có biểu hiện ban đầu là sốt, đau bụng, nôn mửa. Nếu không sớm điều trị, người bệnh có thể bị mất nước, nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, các gia đình nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu dùng thông thái, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, uống vắc xin phòng ngừa bệnh theo đúng khuyến cáo.
3. Lưu ý gì khi chăm sóc sức khỏe thời điểm giao mùa
- Tiêm chủng vắc xin phòng ngừa đúng lịch, đủ liều.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.
- Thực hiện nguyên tắc trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở và môi trường xung quanh, đặc biệt với trẻ nhỏ nên vệ sinh đồ chơi để hạn chế phát sinh và lây lan mầm bệnh.
- Hướng dẫn trẻ cách làm sạch vệ sinh răng miệng để ngăn ngừa các bệnh lý về đường hô hấp.
- Thường xuyên vận động và tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.
- Phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, không tự ý dùng thuốc tại nhà.
Hiện nay là thời điểm chuyển giao thời tiết, vậy nên cũng là thời điểm mà bệnh giao mùa đang dễ có cơ hội bùng phát. Các gia đình, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ cần hết sức chú trọng tuân thủ các nguyên tắc đã khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe.