Trong tổng số ca bệnh tăng huyết áp, có tới trên 90% đều không xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên với tỷ lệ bị tăng huyết áp, tai biến và đột quỵ ngày một nhiều, khoa học đã vào cuộc và tìm ra những thói quen trở thành nguy cơ dẫn đến căn bệnh chết người này. Hãy từ bỏ những thói quen làm tăng huyết áp sau đây để ngăn ngừa bệnh càng sớm càng tốt.
1. Thói quen làm tăng huyết áp hàng đầu: Ăn mặn
Người Việt có thói quen ăn mặn khó bỏ, tuy nhiên muối ăn thực chất là natri chlorure này là một trong những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bị tăng huyết áp. Tuy nhiên vẫn có nhiều người dù ăn mặn cũng không bị bệnh, vì vậy nếu kết hợp với yếu tố nguy cơ khác là người trong gia đình bị tăng huyết áp thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn.
Lời khuyên: Để phòng ngừa cao huyết áp, bạn cần cải thiện chế độ ăn mặn làm tăng huyết áp bằng cách giảm bớt lượng muối và cả bột ngọt trong khẩu phần mỗi ngày. Lượng muối ăn dưới 6g mỗi ngày sẽ có khả năng làm giảm được huyết áp dao động từ 4-8mmHg (theo nghiên cứu khoa học đã chứng minh).
Xem thêm: Cơ chế tác động của việc ăn mặn đến huyết áp
2. Thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào
Nicotin (một trong rất nhiều chất kích thích) trong thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân chính gây kích thích hệ thần kinh giao cảm, từ đó gây co mạch và cao huyết áp. Có không ít các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng, chỉ cần hút một điếu thuốc lá là có thể khiến huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) tăng lên tới 11mmHg và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) tăng tới 9mmHg. Mức huyết áp này kéo dài liên tục tới 20 – 30 phút. Do đó thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào là thói quen làm tăng huyết áp rất phổ biến.
Lời khuyên: Với những ai có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào nên từ bỏ càng sớm càng tốt để tránh mắc bệnh cao huyết áp, đặc biệt là ung thư phổi và nhiều bệnh lý khác.
3. Sử dụng rượu, bia nhiều: Thói quen làm tăng huyết áp phổ biến
Có thể nói uống bia rượu trở thành văn hóa giao tiếp và vui chơi của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến tính mạng khi tham gia giao thông cũng như là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, xơ gan, tổn thương thần kinh. Với những người đã bị tăng huyết áp và đang sử dụng thuốc điều trị, rượu bia khiến thuốc bị giảm mất tác dụng, từ đó khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Lời khuyên: Nên hạn chế mà tốt nhất là tránh sử dụng rượu bia quá thường xuyên để phòng ngừa bệnh tật và bảo vệ tính mạng của bản thân. Nếu việc từ bỏ thói quen này là điều không thể bởi tính chất công việc bạn có thể uống giới hạn ở mức dưới 300ml bia hoặc 30ml rượu mạnh hoặc 50ml rượu vang để ngăn ngừa bệnh tật.
4. Không kiểm soát cân nặng – Thói quen làm tăng huyết áp thời hiện đại
Việc ăn uống thiếu kiểm soát, không khoa học dẫn đến thừa cân, béo phì cũng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng cực nhiều đến khả năng mắc bệnh và là thói quen làm tăng huyết áp thời hiện đại cao. Ngoài ra trọng lượng của cơ thể cũng có mối liên quan đến rất nhiều các bệnh lý mãn tính khác của cơ thể. Đặc biệt khi càng lớn tuổi và trọng lượng tăng lên sẽ khiến huyết áp tăng nhanh hơn.
Lời khuyên: Ăn uống khoa học và cuộc sống lành mạnh để kiểm soát cân nặng giúp ngăn ngừa sự dư thừa trọng lượng là yếu tố rất quan trọng để phòng ngừa nguy cơ bị tăng huyết áp.
Trọng lượng của cơ thể con người có mối quan hệ khá tương đồng với bệnh tăng huyết áp. Người béo phì hoặc người có tăng trọng lượng cơ thể theo tuổi cũng có thể làm tăng nhanh huyết áp.
5. Có lối sống tĩnh tại, ít vận động
Không có thói quen tập luyện và vận động cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp và tiềm ẩn nhiều bệnh lý khác như béo phì, tim mạch, bệnh về xương khớp,… Thay vì một lối sống tĩnh tại, bạn hãy thay đổi thói quen làm tăng huyết áp này càng sớm càng tốt.
Lời khuyên: Chỉ cần mỗi ngày dành thời gian từ 30-45 phút để vận động thể lực, đơn giản là đi bộ, chạy bộ hay tập gym, yoga cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích với sức khỏe và cải thiện rõ rệt nhiều bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch và cả cao huyết áp.
6. Lo âu và căng thẳng quá mức
Thói quen làm tăng huyết áp ở những người thường xuyên căng thẳng thần kinh sẽ dẫn đến tăng nhịp tim, stress do nồng độ các hormone như adrenalin, noradrenalin khiến các động mạch bị co thắt, dẫn tới tăng huyết áp. Nếu thường xuyên lo âu và căng thẳng sẽ dẫn tới cao huyết áp mãn tính nguy hiểm.
Lời khuyên: Nên học cách kiểm soát tâm trạng, thay vì suy nghĩ quá nhiều. Bạn nên tập cho mình các thói quen lành mạnh như tập thể thao, tập thiền, yoga, đọc sách, gặp mặt bạn bè nhiều hơn hay học cách làm chủ bản thân để tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, giúp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp.
Bên cạnh những thói quen không tốt làm gia tăng khả năng mắc bệnh cao huyết áp, những người gặp các vấn đề về sức khỏe dưới đây cũng có nguy cơ bị bệnh lý này cao hơn người khác. Đó là những bệnh nào?
7. Tiểu đường
Tỷ lệ bị cao huyết áp ở người bị tiểu đường cao gấp 2 lần so với người không bị tiểu đường. Với những bệnh nhân mắc đồng thời cả hai căn bệnh nguy hiểm này sẽ khiến cho nguy cơ gặp biến chứng ở mạch máu cao hơn gấp đôi, từ đó dẫn tới nguy cơ tử vong cũng tăng gấp 2 lần so với người bị tiểu đường đơn thuần hoặc cao huyết áp đơn thuần.
Lời khuyên: Người bệnh tiểu đường cần thực hiện tốt các chỉ định điều trị của bác sĩ, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tốt tiểu đường cũng như góp phần ngăn ngừa bệnh huyết áp kèm theo.
8. Rối loạn mỡ máu
Trong máu có hai thành phần chất béo (lipid) đó là cholesterol và triglycerid, đây cũng chính là mỡ máu. Khi nồng độ cholesterol trong máu tăng cao sẽ dẫn tới xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng động mạch, kém đàn hồi dẫn tới tăng huyết áp.
Lời khuyên: Thực hiện chế độ ăn khoa học, khẩu phần ăn mỗi ngày nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, cá tươi. Hạn chế ăn dầu mỡ, nội tạng động vật,…
9. Tiền sử gia đình có người bị cao huyết áp
Yếu tố di truyền cũng là nguy cơ khiến thế hệ sau mắc cao huyết áp cao hơn người không có ông bà, cha mẹ bị tăng huyết áp. Tuy chưa chỉ ra nguyên nhân chính xác, tuy nhiên dựa vào thống kê khoa học cũng có thể hiểu rằng, di truyền cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.
Lời khuyên: Nếu trong gia đình có người bị cao huyết áp, bạn càng cần phải sớm thay đổi các thói quen không có lợi kể trên để phòng tránh tốt nhất bệnh lý này.
10. Tuổi cao
Tuổi càng cao càng dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Khi cao tuổi, chức năng của cơ thể giảm sút, trong đó có các thành động mạch bị xơ vữa và lão hóa, trở nên cứng và kém đàn hồi hơn. Do đó huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) tăng cao hơn.
Lời khuyên: Cần duy trì các thói quen lành mạnh như ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, tập luyện điều độ, tránh xa các yếu tố nguy cơ khác sẽ làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể nói chung và thành động mạch nói riêng, từ đó phòng ngừa cao huyết áp khi lớn tuổi.
Tăng huyết áp càng ngày càng trở thành “tử thần” cướp đi sinh mạng của rất nhiều người do biến chứng đột quỵ, trong đó có không ít người trẻ. Từ bỏ sớm các thói quen làm tăng huyết áp, rèn luyện lối sống lành mạnh và khoa học sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật tốt hơn, hạn chế tối đa ảnh hưởng của tăng huyết áp. Nhà thuốc Minh Châu chúc bạn luôn có sức khỏe tốt!