Ung thư vú được chia làm 4 giai đoạn với mỗi giai đoạn khác nhau thì kích thước của các khối u cũng thay đổi và số lượng u có xu hướng tăng dần. Người mắc ung thư vú giai đoạn 2 được coi là giai đoạn đang phát triển, các tế bào ung thư có thể đã lan sang các hạch bạch huyết nhưng chưa di căn ra xa. Đây vẫn được xem là giai đoạn sớm, bệnh nhân có tỷ lệ sống cao nếu được điều trị tích cực đúng phác đồ.
1.Ung thư vú giai đoạn 2 là gì?
Ung thư vú giai đoạn thứ 2 được xem là giai đoạn xâm lấn, khi các tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết gần đó, tuy nhiên vẫn chưa di căn ra các bộ phận khác.
2. Ung thư vú giai đoạn 2 phát triển như thế nào?
Bệnh ung thư vú giai đoạn thứ 2 được chia làm 2 giai đoạn dựa trên các đặc điểm phát triển của khối u:
2.1 Giai đoạn 2A
- Không tìm thấy được các khối u hoặc khối u nhỏ có kích thước 2cm.
- Đồng thời, tế bào ung thư được tìm thấy trong từ 1 – 3 hạch bạch huyết ở nách hay các bạch huyết ở gần xương ức.
- Kích thước khối u từ 2 – 5 cm nhưng chưa lan ra các hạch bạch huyết.
2.2 Giai đoạn 2B
- Khối u có kích cỡ từ 2 – 5 cm và có cụm tế bào ung thư nhỏ trong hạch bạch huyết.
- Khối u có kích cỡ từ 2 – 5 cm và đã lan ra đến 1 – 3 hạch bạch huyết ở nách hoặc hạch bạch huyết ở gần xương ức.
- Khối u có kích thước lớn hơn 5cm và không lan ra các hạch bạch huyết.
Ở cả 2 nhóm này được phân biệt bởi kích thước khối u và tình trạng tế bào ung thư di căn đến các hạch bạch huyết.
3. Dấu hiệu nhận biết ung thư vú giai đoạn thứ 2
So với ung thư vú giai đoạn 1 người mắc bệnh ung thư vú giai đoạn thứ 2 sẽ có những biểu hiện rõ ràng hơn. Bằng mắt thường mà bệnh nhân có thể cảm nhận được những triệu chứng phổ biến sau:
- Người bệnh có thể tự sờ thấy khối u ở vú và có cảm giác khác với các mô lân cận. Kích cỡ khối u tùy thuộc vào từng thể trạng người bệnh.
- Hạch bạch huyết ở nách sưng lớn hơn.
- Vú thay đổi kích thước và hình dạng bất thường.
- Núm vú tụt sâu, da trên vú lồi lõm bất thường.
- Vú tiết dịch có mủ hoặc lẫn máu.
- Vai gáy, cổ thường xuyên bị đau mỏi.
4. Tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2
Thời gian sống của bệnh nhân ung thư vú giai đoạn thứ 2 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn được xem là giai đoạn sớm của bệnh ung thư vú. Do đó, tỷ lệ điều trị thành công khá lớn nếu bệnh nhân được điều trị tích cực và đúng phác đồ.
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư vú giai đoạn thứ 2 đạt 93%. Việc tầm soát bệnh ung thư vú phát hiện sớm, chữa kịp thời có thể giúp người bệnh kéo dài sự sống.
5. Phương pháp điều trị ung thư vú giai đoạn thứ 2
Các phương pháp điều trị ung thư vú có thể thay đổi tùy thuộc tình trạng khối u cũng như sức khỏe của người bệnh. Ở người ung thư vú giai đoạn thứ 2 các yếu tố di truyền, tuổi, đặc điểm của tế bào ung thư, cũng như kích thước khối u…mà bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị cho người bệnh theo phương pháp khác nhau. Sau đây là các phương pháp điều trị thường được áp dụng:
5.1 Phẫu thuật điều trị ung thư vú giai đoạn 2
Có 2 phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn thứ 2 là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú và phẫu thuật bảo tồn vú.
- Phẫu thuật bảo tồn vú: Là phẫu thuật chỉ cắt một phần tuyến vú áp dụng cho những khối u có kích thước nhỏ. Phương pháp phẫu thuật này tiến hành đơn giản hơn phẫu thuật cắt toàn bộ vú, thời gian phục hồi cũng nhanh hơn và hình dạng tuyến vú vẫn được duy trì. Dẫu vậy, bệnh nhân vẫn phải bắt buộc tiến hành xạ trị nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú: Áp dụng cho những khối u có kích thước lớn. Phương pháp này sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của bệnh nhân nhưng an tâm hơn. Đồng thời, có thể không cần phải xạ trị nếu tế bào ung thư đã được loại bỏ hoàn toàn.
5.2 Phương pháp xạ trị
Xạ trị có thể được áp dụng để điều trị ung thư trong hầu hết các giai đoạn của ung thư vú. Đây là phương pháp hỗ trợ nhằm loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, giảm tình trạng tái phát. Có 2 phương pháp chính trong xạ trị ung thư vú giai đoạn 2:
- Xạ trị ngoài: máy xạ trị sẽ phát ra tia phóng xạ từ ngoài cơ thể.
- Xạ trị áp sát: Sử dụng thiết bị chuyên dụng để đưa tia xạ đến vị trí của khối u.
5.3 Hoá trị
Là phương pháp sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường được chỉ định sau phẫu thuật nếu khối u có kích thước lớn và lan sang hạch bạch huyết.
Trong hoá trị thuốc sẽ được đưa trực tiếp qua đường tĩnh mạch vào cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này gây tác dụng phụ là mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, thiếu máu.. do các tế bào bình thường cũng bị tiêu diệt.
5.4 Liệu pháp hormone
Đây là phương pháp điều trị giúp giảm nồng độ và tác dụng của progesterone và estrogen trong cơ thể. Được chỉ định cho trường hợp các tế bài ung thư vú mang thụ thể estrogen. Bên cạnh đó, liệu pháp hormone còn được sử dụng sau khi phẫu thuật để giảm tỷ lệ tái phát. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được cân nhắc cắt buồng trứng để giảm các hormone kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.
5.5 Liệu pháp sinh học
Đây là phương pháp điều trị ung thư vú mới nhất được áp dụng trong thời gian gần đây. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các thuốc có công dụng ngăn chặn protein để ngăn cản tế bào ung thư phát triển. Từ đó có thể làm cho quá trình điều trị ung thư vú giai đoạn thứ 2 đạt được kết quả tối ưu nhất.
5.6 Phương pháp thử nghiệm lâm sàng
Đối với bệnh nhân ung thư vú giai đoạn thứ 2 có thể được áp dụng điều trị bằng phương pháp thử nghiệm lâm sàng. Đây là phương pháp điều trị mới tiên tiến mang lại nhiều cơ hội sống sót cho bệnh nhân mắc ung thư. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp mới kết hợp cùng với các thuốc hoặc kết hợp tất cả các liệu pháp lại với nhau.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc ung thư vú cũng có thể cân nhắc cắt bỏ buồng trứng để giảm lượng hormone kích thích sự phát triển của tế bào ung thư vú. Cắt bỏ bên vú lành cũng được cân nhắc tới khi người bệnh liên quan đến yếu tố di truyền để tránh trường hợp tế bào ung thư xâm lấn lan sang vú lành còn lại.
6. Chế độ chăm sóc cho người mắc ung thư vú giai đoạn 2
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư vú giai đoạn thứ 2 là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần điều trị và làm giảm nguy cơ tái phát bệnh. Bởi bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng và làm ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy bệnh nhân ung thư vú giai đoạn thứ 2 cần lưu ý:
6.1 Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân
Với trường hợp bệnh nhân vừa phải phẫu thuật cắt bỏ vú thì chế độ dinh dưỡng hợp lý rất cần thiết. Bởi nó không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn giúp tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ chất sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng lấy lại sức.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân cần kiêng ăn thịt gà, kiêng rau muống, kiêng mỡ động vật…hãy thay đổi thực đơn hàng ngày giúp bệnh nhân ăn ngon miệng hơn. Rau có màu xanh đậm, các loại củ quả có màu vàng, cam là những thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn thứ 2.
6.2 Chế độ tập luyện nhẹ nhàng
Một nghiên cứu chỉ ra rằng đối với các bệnh nhân mắc ung thư vú thì thường xuyên luyện tập thể dục sẽ cải thiện được các chức năng của cơ thể cũng như suy nghĩ tích cực hơn. Không chỉ vậy người mắc bệnh ung thư vú thường xuyên tập thể dục cũng có nhiều năng lượng hơn. Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ là những hoạt động phù hợp với người mắc ung thư vú giai đoạn thứ 2.
6.3 Chăm sóc về mặt tâm lý người bệnh
Sau khi phát hiện mắc ung thư vú người bệnh thường bị sang chấn tâm lý. Chính vì vậy những người thân bên cạnh cần động viên an ủi để người bệnh vượt qua được rào cản tâm lý, giúp người bệnh thích ứng với cuộc sống mới tốt hơn.
6.4 Thường xuyên quan sát các hạch bạch huyết
Mặc dù đối với một số bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ các hạch bạch huyết những người bệnh cũng cần lưu ý các vị trí của hạch xem chúng có bị tụ dịch, mủ hay sưng lên hay không? Nếu phát hiện bất thường thì nên được đi thăm khám sớm để có hướng điều trị kịp thời.
Như vậy, bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 2 có cơ hội chữa khỏi khá cao nếu như được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Chính vì vậy, mỗi người phụ nữ đều nên cập nhật các thông tin liên quan đến bệnh ung thư vú để có cách phòng ngừa và chăm sóc cơ thể được tốt hơn.